Tiêu chuẩn Kiểm toán viên và kiểm toán viên hành nghề

0
667

1. Kiểm toán viên và kiểm toán viên hành nghề
Công việc kiểm toán độc lập do các kiểm toán viên (KTV), KTV hành nghề và cá nhân khác có liên quan thực hiện. Luật Kiểm toán độc lập số 67/2011/QH12 (Khoản 2 và 3 Điều 5) quy định rõ về KTV và KTV hành nghề:
Kiểm toán viên là người được cấp chứng chỉ KTV theo quy định của pháp luật hoặc người có chứng chỉ của nước ngoài được Bộ Tài chính công nhận và đạt kỳ thi sát hạch về pháp luật Việt Nam.
Kiểm toán viên hành nghề là KTV đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán.
1.1. Tiêu chuẩn kiểm toán viên: (Điều 14 Luật Kiểm toán độc lập số 67/2011/QH12)


a) Kiểm toán viên phải có đủ các tiêu chuẩn sau đây:
(1) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan;
(2) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán hoặc chuyên ngành khác theo quy định của Bộ Tài chính;
(3) Có Chứng chỉ KTV theo quy định của Bộ Tài chính.
b) Trường hợp người có chứng chỉ của nước ngoài được Bộ Tài chính công nhận, đạt kỳ thi sát hạch bằng tiếng Việt về pháp luật Việt Nam và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan thì được công nhận là KTV.
1.2. Đăng ký hành nghề kiểm toán: (Điều 15 và Điều 62 Luật Kiểm toán độc lập số 67/2011/QH12)


(1) Người có đủ các điều kiện sau đây được đăng ký hành nghề kiểm toán:
a) Là KTV;
b) Có thời gian thực tế làm kiểm toán từ đủ ba mươi sáu tháng trở lên;
c) Tham gia đầy đủ chương trình cập nhật kiến thức.
(2) Người có đủ các điều kiện theo quy định trên thực hiện đăng ký hành nghề kiểm toán và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán theo quy định của Bộ Tài chính.
(3) Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán chỉ có giá trị khi người được cấp có hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian cho một DNKT, chi nhánh DNKT nước ngoài tại Việt Nam.
(4) Trong thời hạn ba năm, kể từ ngày Luật kiểm toán độc lập có hiệu lực, người đã được cấp chứng chỉ KTV trước ngày Luật kiểm toán độc lập có hiệu lực được đăng ký hành nghề kiểm toán theo quy định của Luật kiểm toán độc lập mà không cần bảo đảm điều kiện về thời gian thực tế làm kiểm toán từ đủ ba mươi sáu tháng trở lên.
Theo Điều 3 Thông tư 202/2012/TT-BTC:
(i) KTV được coi là có hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian tại DNKT khi:
a) Hợp đồng lao động ký kết giữa KTV và DNKT phải bảo đảm các yếu tố theo quy định của Bộ Luật lao động;
b) Thời gian làm việc quy định trong hợp đồng và thời gian thực tế làm việc hàng ngày, hàng tuần của KTV bảo đảm đúng và phù hợp với thời gian làm việc hàng ngày, hàng tuần của DNKT nơi KTV đăng ký hành nghề;
Ví dụ: thời gian làm việc của DNKT từ 08h00 – 17h00 và 06 ngày/tuần thì KTV phải làm việc đầy đủ thời gian từ 08h00 – 17h00 hàng ngày và 06 ngày/tuần không bao gồm thời gian làm thêm, ngày nghỉ, ngày lễ.
c) Không đồng thời làm đại diện theo pháp luật, giám đốc (tổng giám đốc), chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên, kế toán trưởng (hoặc phụ trách kế toán), nhân viên kế toán, kiểm toán nội bộ hoặc các chức danh khác tại đơn vị, tổ chức khác trong thời gian thực tế làm việc hàng ngày, hàng tuần tại DNKT theo quy định tại điểm b khoản này.
(ii) Xác định thời gian thực tế làm kiểm toán:
a) Thời gian thực tế làm kiểm toán được tính là thời gian đã làm kiểm toán tại DNKT theo hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian;
b) Thời gian thực tế làm kiểm toán được tính cộng dồn trong khoảng thời gian kể từ khi được cấp bằng tốt nghiệp đại học đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán theo nguyên tắc tròn tháng;
c) Thời gian thực tế làm kiểm toán phải có xác nhận của người đại diện theo pháp luật hoặc người được uỷ quyền của người đại diện theo pháp luật của DNKT nơi KTV đã thực tế làm việc. Trường hợp DNKT nơi KTV làm việc đã giải thể, phá sản, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi hình thức sở hữu thì phải có xác nhận của người đại diện theo pháp luật của DNKT phù hợp với thời gian mà KTV đã làm việc tại DNKT đó. Trường hợp người đại diện theo pháp luật của DNKT thời điểm đó đã không còn hoạt động trong lĩnh vực kiểm toán độc lập thì phải có Bản giải trình kèm theo các tài liệu chứng minh về thời gian thực tế làm
kiểm toán như bản sao sổ bảo hiểm xã hội, bản sao hợp đồng lao động.
1.3. Những người không được đăng ký hành nghề kiểm toán (Điều 16 Luật Kiểm toán độc lập số 67/2011/QH12)
(1) Cán bộ, công chức, viên chức.
(2) Người đang bị cấm hành nghề kiểm toán theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đã bị kết án một trong các tội về kinh tế, chức vụ liên quan đến tài chính, kế toán mà chưa được xóa án; người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở chữa bệnh, đưa vào cơ sở giáo dục.
(3) Người có tiền án về tội kinh tế từ nghiêm trọng trở lên.
(4) Người có hành vi vi phạm pháp luật về tài chính, kế toán, kiểm toán và
quản lý kinh tế bị xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn một năm, kể từ ngày có quyết định xử phạt.
(5) Người bị đình chỉ hành nghề kiểm toán.
1.4. Đình chỉ hành nghề kiểm toán (Điều 12 Thông tư số 202/TT-BTC)
(1) KTV hành nghề bị đình chỉ hành nghề kiểm toán theo quy định của pháp luật trong các trường hợp sau:
a) Có sai phạm nghiêm trọng về chuyên môn hoặc vi phạm nghiêm trọng CMKiT, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp về kế toán, kiểm toán;
b) Không chấp hành quy định của cơ quan có thẩm quyền về việc kiểm tra, thanh tra liên quan đến hoạt động hành nghề kiểm toán;
c) Bị xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động kiểm toán độc lập hai lần trong thời hạn ba mươi sáu (36) tháng liên tục;
d) KTV hành nghề không có đủ số giờ cập nhật kiến thức hàng năm theo quy định của Bộ Tài chính;
đ) KTV hành nghề không thực hiện trách nhiệm của KTV hành nghề theo quy định;
e) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
(2) Bộ Tài chính có thẩm quyền đình chỉ hành nghề kiểm toán và gửi quyết định cho người bị đình chỉ , DNKT nơi người đó đăng ký hành nghề.
(3) Trong thời gian bị đình chỉ hành nghề kiểm toán, KTV hành nghề không được tiếp tục ký báo cáo kiểm toán và báo cáo kết quả công tác soát xét. Khi hết thời gian đình chỉ hành nghề kiểm toán:
a) KTV hành nghề nếu bảo đảm các quy định tại Thông tư 202/2012/TTBTC và Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán đã được cấp còn thời hạn và giá trị thì được tiếp tục hành nghề kiểm toán. Bộ Tài chính sẽ bổ sung tên KTV hành nghề vào danh sách công khai KTV đăng ký hành nghề tại DNKT trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời gian đình chỉ hành nghề kiểm toán;
b) KTV hành nghề vẫn bảo đảm các quy định tại Thông tư 202/2012/TTBTC nhưng Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán hết thời hạn thì làm thủ tục đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán. Hồ sơ cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán quy định tại Thông tư 202/2012/TT-BTC;
c) KTV hành nghề có Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán còn thời hạn nhưng không còn bảo đảm các quy định tại Thông tư 202/2012/TT-BTC thì không được tiếp tục hành nghề kiểm toán.

Bài trướcPhân loại kiểm toán

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây